Sầu riêng Cái Mơn từ lâu đã nổi tiếng khắp khu vực và một sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng thật sự trên thị trường. Từ siêu thị lớn nhỏ đến các chợ truyền thống ở Việt Nam khắp ba miền Nam Trung Bắc, danh tiếng của sầu riêng Cái Mơn đã được khẳng định. Không những là thị trường trong nước mà còn vang xa cả thị trường nước ngoài một trong những nông sản hàng đầu của Việt Nam đem lại lợi nhuận cao khi xuất khẩu. Đây là một đặc sản của tỉnh Bến Tre, cũng là đặc sản nông nghiệp giúp bà con nông dân trong tỉnh Bến Tre thoát nghèo cũng là mục tiêu của tỉnh Bến Tre thực hiện đề án hiện đại hóa nông thôn, phát triển nông thôn bền vừng ổn định. Sầu riêng Cái Mơn không phải là một giống sầu riêng mà là tên gọi quen thuộc người tiêu dùng hay gọi để chỉ các giống sầu riêng có xuất xứ từ địa danh Cái Mơn, huyện Chợ Lách.
Mục lục bài viết
Nguồn Gốc Và Lịch Sử Hình Thành Sầu Riêng Cái Mơn
Tìm về lịch sử của danh tiếng sầu riêng Cái Mơn, tên một địa danh thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, từ lâu nay đã trở thành một vùng đất nổi tiếng với “cây trái và hoa kiểng”. Theo người dân địa phương từ “cái” trong từ “Cái Mơn” nghĩa là con rạch lớn, Mơn được đọc trại từ “Khmu” tiếng người Khmer nghĩa là mật ong. Theo nhà văn Sơn Nam, xưa kia, hai bên bờ sông rạch của vùng đất Cái Mơn, có rất nhiều ong làm tổ (do là vùng đất của cây trái). Qua thời gian, vùng đất Cái Mơn đã trở thành vương quốc của các loại trái cây nhiệt đới với những loại trái cây đặc sản như chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh và nhất là sầu riêng, nhờ vào các yếu tố thuận lợi về đất đai trù phú (do sự bồi đắp phù sa của hai con sông lớn là Cổ Chiên và Hàm Luông), khí hậu được điều hòa quanh năm, cùng hệ thống kênh rạch nhánh lớn, nhỏ chạy ngang dọc để dẫn nước cung cấp nước đều đặn và thuận tiện cho các vườn cây ăn quả.
Nhìn lại quá khứ gần hơn 100 năm, giống sầu riêng đầu tiên gắn với danh tiếng Cái Mơn. Là giống sầu riêng Sữa Bò do có hương thơm ngào ngạt, vị béo ngọt như sữa, cơm mềm, hạt lép, vỏ mỏng, mùi vị đặc trưng. Giống sầu riêng Sữa Bò này đã được trồng từ rất lâu và đã ăn sâu tâm thức người nông dân nơi đây, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận năm 2003. Tiếp nối giá trị và lợi thế của sầu riêng Sữa Bò, hai giống sầu riêng Ri6 và Monthong được trồng tại Bến Tre tiếp tục tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với người tiêu dùng bởi những nét độc đáo rất riêng về chất lượng, hương thơm, màu sắc, mùi vị. So với sầu riêng các vùng trồng khác, danh tiếng chất lượng của sầu riêng Cái Mơn luôn được đánh giá cao tại các cuộc thi về chất lượng trái cây do Viện cây ăn quả Miền Nam.
Ban đầu, sầu riêng Cái Mơn chỉ chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Lách và biến vùng “Cái Mơn” thành vùng lõi của sầu riêng nổi tiếng với chất lượng thơm ngon đặc trưng. Dần dần, vùng trồng sầu riêng Cái Mơn được mở rộng tới khu vực của huyện Châu Thành và một số xã của huyện Mỏ Cày Bắc giáp ranh với huyện Chợ Lách. Nhờ vào tính chất đặc thù của quả sầu riêng thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao của cây sầu riêng nên đời sống người dân trồng sầu riêng ngày càng trở nên khá giả.
Đặc Tính Chất Lượng Sầu Riêng Cái Mơn
Hiện nay, trong số các giống sầu riêng được trồng tại Bến Tre là hai giống sầu riêng Ri6 và Monthong đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 90%.
1.Sầu Riêng Ri6
Cây sầu riêng từ giống Ri6 (Bộ NN&PTNT công nhận theo Quyết định số 5309/QĐ/BNN-KHCN ngày 29/11/2002) sinh trưởng khá tốt, phân cành ngang đều và đẹp, dạng tán cây hình tháp rộng. Lá hình xoan có bề ngang khá rộng, mặt trên phiến lá không phẳng hơi gợn sóng, gân lá nổi rõ có màu đậm hơn màu phiến lá. Quả có hình ê-lip, trọng lượng trung bình 2,61kg/quả (khoảng biến động 2 -3,5 kg/quả). Vỏ quả có màu xanh hơi vàng khi chín, gai cao, thưa, chân gai có hình 5 cạnh và bóng láng. Cơm quả có màu vàng đậm, ráo và cầm không dính tay, không xơ, thường không bị sượng. Cơm quả dày, tỉ lệ cơm cao, có vị béo, ngọt, thơm. Hạt lép, tỉ lệ hạt/quả thấp.
2.Sầu Riêng Monthong
Đây là giống sầu riêng được du nhập vào Việt Nam, giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức theo quyết định số 3713/QĐ/BNN-KHCN ngày 30 tháng 12 năm 2005.
Cây có đặc tính sinh trưởng khá tốt, dạng tán hình tháp. Lá thuôn khá dài đuôi lá nhọn, mặt trên bóng phẳng do gân lá không nổi rõ. Quả có dạng hình trụ, đỉnh quả nhọn, trọng lượng trung bình 3,62kg/quả (biên độ dao động từ 3-5 kg/quả). Quả sầu riêng Monthong thường có chia ngăn rõ ràng, vỏ quả có màu vàng nâu khi chín. Cơm quả rất dày, màu vàng nhạt, xơ trung bình, dễ bị sượng khi cơm có màu trắng nhất là quả chín vào những tháng mưa nhiều (tháng 7-8 dương lịch), tỉ lệ cơm cao, ráo, vị ngọt và béo. Hạt lép, tỉ lệ hạt thấp.
Điều Kiện Tự Nhiên Để Sầu Riêng Cái Mơn Phát Triển
1.Địa Hình
Địa hình đất Bến Tre nhìn chung là bằng phẳng và có khuynh hướng thấp dần từ hướng Tây-Bắc xuống Đông-Nam. Những giồng cát hình cánh cung trên vùng ven biển cổ cao hơn được hình thành qua quá trình bồi lắng trầm tích biển. Vùng địa hình thuộc huyện Chợ Lách, huyện Châu Thành và huyện Mỏ Cày Bắc thuộc vùng địa hình cao, bao gồm các dải đất cao ven các sông lớn (cao trình 1,8-2,5 m), các giồng cát khu vực ven biển (cao trình 3,0-3,5 có nơi cao đến 5 m), thích hợp cho cho sản xuất nông nghiệp và trồng cây ăn quả quy mô lớn.
2.Đất Đai, Thổ Nhưỡng
Đất đai đặc thù của các vùng trồng sầu riêng chỉ dẫn địa lý Cái Mơn tại Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc là vùng đất cao ven sông giàu dinh dưỡng, đất có sa cấu thịt pha limon và sét nên dễ thoát nước hơn đất trồng sầu riêng của 2 tỉnh đối chứng là Bình Dương và Đồng Nai có sa cấu đất nặng hơn (sét pha thịt). Vì lẽ đó nên đất vườn huyện Chợ Lách, Châu Thành, một số xã của huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre có khả năng thoát nước tốt, ít gây úng ngập cho sầu riêng, điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm sinh lý của cây sầu riêng ưa ẩm nhưng không chịu được úng, ngập nước. Vùng trồng sầu riêng Cái Mơn thuộc vùng đất cao ven sông Hàm Luông và Cổ Chiên có nguồn phù sa sông Tiền dồi dào có nước tưới có chứa nhiều các ba-dơ (bases) hòa tan như calci và magiê đã góp phần tạo nên hương vị đặc sắc của sầu riêng Cái Mơn, Bến Tre
3. Thủy Văn
Tỉnh Bến Tre có bốn con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc. Nguồn cung cấp nước tưới cho sầu riêng chủ yếu lấy từ các sông này và các tuyến kênh nối liền giữa các sông đảm nhận vai trò cung cấp toàn bộ nước ngọt và tiêu thoát nước nội đồng trong toàn tỉnh Bến Tre.
Nước tưới cho vườn sầu riêng thu thập tại 6 xã của huyện Chợ Lách bao gồm Sơn Định, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung, Long Thới, Tân Thiềng và thị trấn Chợ Lách; 4 xã Tiên Long, Tân Phú, Tiên Thuỷ, Phú Đức của huyện Châu Thành và 4 xã Nhuận Phú Tân; Hưng Khánh Trung A; Phước Mỹ Trung; Phú Mỹ của huyện Mỏ Cày Bắc đều có pH hơi kiềm nhẹ (pH=7,6) và lượng base hòa tan Kali, calci và magiê trong nước tưới cao đã cung cấp dưỡng chất thiết yếu và tạo nên hương vị đặc thù cho cho cây sầu riêng Cái Mơn.
4. Nhiệt Độ
Khí hậu của tỉnh Bến Tre là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm. Nhiệt độ trung bình khoảng 27°C và ít biến động (25-29°C). Tháng nóng nhất là tháng 4 và 5. Tháng mát nhất là tháng 12. Nhiệt độ thấp tuyệt đối là 18,1°C và cao nhất là 36°C. Trong mùa khô, biên độ dao động ngày đêm lên đến 14°C, còn mùa mưa là 11,4°C. Với biên độ dao động ngày và đêm lớn là điều kiện để cây tích lũy chất khô và cho hương thơm đặc trưng
Nhìn chung, điều kiện khí hậu của tỉnh Bến Tre thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt. Cộng với lượng mưa trung bình từ 1.200 – 1.600 mm khá thích hợp cho cây sầu riêng. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mưa tập trung mạnh nhất từ tháng 7, 8, 9, thời điểm cây sầu riêng đã kết thúc thu hoạch. Chính vì vậy, chất lượng của cơm sầu riêng không bị nhão khi thu hoạch. Hàm lượng dinh dưỡng các khoáng chất thiết yếu như kali, calci, magiê, Fe và kẽm của sầu riêng Cái Mơn hầu hết đều cao hơn dẫn đến trái sầu riêng có cơm thịt chắc hơn, ngọt hơn.
Người dân nơi đây có tập quán thiết kế vườn trồng sầu riêng theo kiểu xẻ mương, lên liếp để nâng cao tầng đất mặt trồng sầu riêng, tránh úng nước vào những tháng mưa nhiều và phù hợp với bộ rễ phát triển sâu từ 7 – 9 m của cây sầu riêng. Ngoài ra, người dân còn xây dựng đê bao chung quanh vườn sầu riêng để ngăn triều cường gây úng, ngập và xâm nhập mặn vào mùa khô.
Định Hướng Phát Triển Của Bến Tre
Tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ thực hiện nhiều người nông dân tiếp cận với các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng tay nghề sản xuất, áp dụng các ứng dụng khoa học vào trồng cây. Mở rộng mạng lưới ươm, tạo giống cây ăn quả rộng và đều khắp các huyện, xã đến tận ấp mà không có bất cứ địa phương nào trong cả nước so sánh được. Bằng việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhân giống cây con để rút ngắn thời gian cây cho quả, đồng thời với đội ngũ thợ chuyên ghép cây có tay nghề cao đã được tôi luyện trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh góp phần nâng cao uy tín cho ngành ươm tạo nhân giống cây con của Bến Tre.
Sầu riêng Cái Mơn đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thị trường cả nước, được đánh giá cao về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của quả và đang từng bước tham gia vào thị trường nước ngoài. Định hướng phát triển xuất khẩu thị trường nước ngoài rất quan trọng đặc biệt là đem lại ngoại tệ, lợi ích cho người nông dân mục đích chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp.