Tôm càng xanh mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”

Posted on

Tin tức

64 Views

Với mục tiêu thiết lập mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL) phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK đã triển khai thành công dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh”. Sự thành công của dự án không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương mà còn nâng cao danh tiếng và chất lượng sản phẩm tôm càng xanh hướng tới xuất khẩu ra khu vực và quốc tế.

Từ sự ưu đãi của thiên nhiên

Là 1 trong 13 tỉnh/thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long với đường bờ biển dài gần 65 km, được hợp thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Bến Tre có nhiều đặc sản nổi tiếng đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng như sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, thịt bò Ba Tri, nghêu Thạnh Phú và đặc biệt là tôm càng xanh.

Những năm gần đây, nhiều người dân ở Bến Tre đã lựa chọn đối tượng nuôi là tôm càng xanh để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình 1. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa và mương vườn dừa.
Với đặc tính sinh trưởng tốt, năng suất, cấp loại và tính đồng đều cao, tôm càng xanh của Bến Tre luôn được đánh giá cao hơn các địa phương khác trong vùng. Tôm càng xanh Bến Tre có hình trụ, phần đầu lớn cân đối với phần thân; đuôi và phần giao giữa các đốt thân có màu xanh biển hoặc màu nâu; phần giữa các đốt thân có màu nâu nhạt, hơi trong; đôi càng thứ 2 có màu xanh, phần cuối có màu cam hoặc màu xanh đậm. Trọng lượng từ 40 g trở lên, vỏ cứng, chắc, bóng, có mùi tanh tự nhiên, không lẫn mùi rêu, hàm lượng Ca khoảng 345-761 mg/kg, hàm lượng béo khoảng 0,33-0,82% và hàm lượng Omega 3 khoảng 39,4-93,9 mg/100g. Tôm càng xanh khi nấu chín có vỏ cứng, chắc, bóng, phần thịt có màu đỏ cam, chắc, giòn, dai, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, béo, tỷ lệ vỏ/thịt dưới 34,5%.

Hình 2. Tôm càng xanh mang CDĐL “Bến Tre”.

Đến tạo dựng thương hiệu của địa phương

Góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc đưa tôm càng xanh thành đối tượng nuôi chủ lực sau cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đã giao Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK chủ trì thực hiện dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh”. Sau 2 năm triển khai (2019-2021), mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 song dự án đã chủ động tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát, lấy mẫu, phân tích để xác định được tính chất đặc thù của sản phẩm tôm càng xanh, từ đó xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện quy trình mô tả nguồn gốc, danh tiếng, đánh giá chất lượng đặc thù của sản phẩm tôm càng xanh mang CDĐL “Bến Tre”. Đặc biệt, dự án đã xây dựng các mối liên kết giữa sản xuất với kinh doanh, giúp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, với nhiều hình thức tuyên truyền như phát tờ rơi, tổ chức hội thảo đầu bờ, xây dựng phóng sự…, dự án đã giúp người dân nâng cao kiến thức về CDĐL, quan tâm hơn đến các lợi ích mà CDĐL mang lại. Trước khi triển khai dự án, hầu hết người nuôi tôm đều không có nhận thức rõ ràng về CDĐL, không hiểu hết được các giá trị mà CDĐL có thể mang lại cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.

Sau khi kiểm tra hồ sơ đăng ký và thẩm định các điều kiện bảo hộ CDĐL, ngày 19/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã có quyết định số 1135/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận số 00103, bảo hộ CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm tôm càng xanh của tỉnh.

Hình 3. Mẫu nhãn hiệu chứng nhận tôm càng xanh mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre”.

Khu vực địa lý được bảo hộ CDĐL bao gồm các xã: Tân Thành Bình, Tân Phú Tây, Tân Thanh Tây, Thành An, Hòa Lộc, Thanh Tân, Phú Mỹ, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Bình, Nhuận Phú Tân, Khánh Thạnh Tân thuộc huyện Mỏ Cày Bắc; Định Thủy, An Thạnh, Đa Phước Hội, Tân Hội, Phước Hiệp, Bình Khánh, An Định, Tân Trung, Minh Đức, An Thới, Thành Thới A, Thành Thới B, Ngãi Đăng, Cẩm Sơn, Hương Mỹ và thị trấn Mỏ Cày thuộc huyện Mỏ Cày Nam; Đại Điền, Tân Phong, Thới Thạnh, Hòa Lợi, Mỹ Hưng, Bình Thạnh, Mỹ An, An Thạnh, An Thuận, An Qui, An Điền, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong và thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; Tân Hào, Phước Long, Lương Phú, Thuận Điền, Sơn Phú, Thạnh Phú Đông, Châu Bình, Bình Hòa, Long Mỹ, Mỹ Thạnh, Lương Hòa, Lương Quới, Tân Lợi Thạnh thuộc huyện Giồng Trôm; Long Định, Phú Thuận, Vang Quới Tây, Vang Quới Đông, Đại Hòa Lộc thuộc huyện Bình Đại. Như vậy, tôm càng xanh đã trở thành CDĐL thứ 5 được bảo hộ của tỉnh Bến Tre (trước đó là dừa xiêm xanh Bến Tre, bưởi da xanh Bến Tre, sầu riêng Cái Mơn, cua biển Bến Tre).

Với việc được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ CDĐL, hoạt động quản lý, vận hành và cấp quyền sử dụng CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm tôm càng xanh đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị quản lý và các hộ nuôi, kinh doanh tôm càng xanh. Nhiều chủ thể đã nhận thức sâu sắc về vai trò, quyền lợi và ý nghĩa của CDĐL, từ đó chủ động tiến hành đăng ký xin cấp quyền sử dụng CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm tôm càng xanh.

Với việc được bảo hộ CDĐL, sản phẩm tôm càng xanh Bến Tre đã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, mở ra cơ hội tham gia sâu vào hệ thống siêu thị, chuỗi phân phối thủy sản trong nước cũng như nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc bảo hộ CDĐL “Bến Tre” cho đặc sản tôm càng xanh là hướng đi đúng đắn, giúp bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; là công cụ chống gian lận thương mại, tăng cường lợi thế so sánh. Đặc biệt, CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm tôm càng xanh là CDĐL đầu tiên của cả nước dành cho đối tượng nuôi này, qua đó góp phần nâng cao danh tiếng và chất lượng sản phẩm tôm càng xanh ở thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu ra khu vực và quốc tế.

Tác giả-DƯƠNG THÀNH LONG