Đặc tính Tôm càng xanh “Bến Tre”

Posted on

Tin chuyên ngành

115 Views

Tôm càng xanh còn được gọi tôm sông khổng lồ hay tôm nước ngọt khổng lồ là một loài tôm thuộc họ Tôm gai có giá trị về mặt thương mại. Nó được tìm thấy ở khắp các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ Ấn Độ đến Đông Nam Á và Bắc Úc. Tôm càng xanh cũng đã được bán thương phẩm đến các vùng của Châu Phi, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Châu Mỹ và Caribe. Nó là một trong những loài tôm nước ngọt lớn nhất trên thế giới và được nuôi trồng thủy sản rộng rãi ở một số quốc gia để làm thực phẩm. Ở Việt Nam tôm càng xanh chủ yếu phân bố ở Nam Bộ, tập trung ở lưu vực sông Hậu, sông Tiền và là quốc gia có sản lượng tôm càng xanh trong tự nhiên lớn nhất. Hiện này Tôm càng xanh nuôi ở Bến Tre đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

 

Mục lục bài viết

Đặc Tính Tôm Càng Xanh “Bến Tre”

Quá Trình Phát Triển

Con tôm càng xanh đã trải qua thời gian dài thích nghi và phát triển mạnh mẽ trên vùng nước giàu dinh dưỡng tại Bến Tre. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh chất lượng của tôm càng xanh là do điều kiện tự nhiên đã quyết định đến tính chất, chất lượng đặc thù của con tôm càng xanh ở vùng đất này.

Với đặc tính sinh trưởng trong vùng nước lợ và ngọt, gần các cửa sông, hoặc các hệ thống sông lớn nên số lượng tôm càng xanh tại Bến Tre nhiều và ngon hơn các vùng khác. Tôm càng xanh ngày xưa được thu hoạch trực tiếp từ các ruộng lúa đã thu hoạch hoặc trong các ao, mương vườn, kênh, rạch, v.v một cách tự phát và chưa được thương mại hóa như hiện nay. Sau thu hoạch, những con tôm càng xanh lớn được chọn, bóc vỏ, tách gạch và chế biến thành món tôm càng xanh kho tộ ngon nức tiếng vùng miền Đồng Bằng Sông Cửu Long. Món ăn truyền thống vào các dịp lễ, tết, cũng như trong các sự kiện quan trọng của người dân Bến Tre nói riêng và của đồng bào Nam Bộ nói chung.

Lúc đầu người dân tại Thạnh Phú – Bến Tre quan sát thấy những con tôm càng xanh trong ruộng lúa có kích cỡ lớn, thịt giòn thơm ngon, vị béo nên đã tiến hành thả nuôi theo mô hình kết hợp nuôi tôm càng xanh và trồng lúa từ những năm 1980. Nguồn con giống ban đầu được thu thập từ sông, hồ sau đó được ương nuôi kết hợp giữa tôm và lúa. Nhận thấy mô hình nuôi hiệu quả, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống ao xung quanh với diện tích mương, ao chiếm từ 20 – 26% diện tích ruộng lúa. Mô hình nuôi tôm – lúa thời gian đầu được áp dụng tại các huyện ven biển, các ruộng lúa ở vùng nước lợ với một vụ lúa mùa và một vụ tôm.

Nhiệt độ trung bình khoảng 270C và ít biến động (25-290C). Tháng nóng nhất là tháng 4 và tháng 5, tháng mát nhất là tháng 12. Nhiệt độ thấp tuyệt đối là 18,10C và cao nhất là 360C. Trong mùa khô, biên độ dao động ngày đêm cao nhất có thể lên đến 140C, còn mùa mưa là 11,40C. Thông thường biên độ nhiệt ngày và đêm tại Bến Tre chỉ dao động khoảng 4-80C. Điều kiện khí hậu của tỉnh Bến Tre rất lý tưởng cho con tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển tốt.

tôm càng xanh
Tôm càng xanh nuôi tại ao lúa ở Bến Tre

Đặc Điểm Hình Thái

Tôm càng xanh “Bến Tre” thường có 2 dạng chính: tôm càng xanh và tôm càng lửa (Nguyễn Thanh Phương và ctv, 2003), 2 dạng này thực chất thuộc loài Macrobrachium rosenbegii (De Man, 1879), tùy theo độ tuổi của tôm và nguồn thức ăn, dinh dưỡng, độ kiềm của nguồn nước quyết định đến màu sắc của đôi càng thứ 2. Tôm càng xanh là loài có kích thước lớn nhất trong các loài tôm nước ngọt. Cơ thể gồm hai phần: phần đầu ngực có dạng hơi giống hình trụ gồm 13 đốt và 13 đôi phụ bộ được bao bọc bởi một tấm vỏ dày gọi là giáp đầu ngực. Phần bụng gồm có 7 đốt và 6 đôi phụ bộ, mỗi đốt được bao bọc bởi một lớp vỏ, tấm vỏ phía trước chồng lên tấm vỏ phía sau. Tuy nhiên tấm vỏ của đốt bụng thứ hai phủ lên tấm vỏ phía trước và phía sau nó. Chính nhờ đặc điểm này mà ta có thể phân biệt được tôm càng xanh với các loài tôm sống ở vùng nước mặn. Các đốt bụng của tôm càng xanh hơi tròn trên mặt lưng và dẹp hai bên, cơ thể có dạng hơi cong như dấu phẩy, to ở phần đầu, thon nhỏ về phía sau.

Ở tôm nhỏ có màu trong sáng, trên giáp đầu ngực có những sọc xanh đen dọc hai bên. Tôm trưởng thành có những vệt màu xanh hơi sậm ngang lưng, xen kẽ với màu trắng trong của cơ thể. Tôm có chủy dài vượt vảy râu, uốn cong lên từ đoạn giữa chủy, gốc chủy ở nơi hốc mắt nhô cao lên thành mào. Các phụ bộ có hình dạng, kích cỡ và chức năng khác nhau với hai đôi râu có chức năng xúc giác, một đôi hàm lớn, hai đôi hàm nhỏ và ba đôi chân hàm có chức năng giữ và nghiền mồi, năm đôi chân ngực có chức năng để bò, năm đôi chân ngực để bơi và một đôi chân đuôi có chức năng như bánh lái. Hai đôi chân ngực đầu tiên của tôm chuyển hoá thành hai đôi càng, đôi càng thứ hai to dùng để bắt mồi và tự vệ.

Đặc điểm về kích cỡ, màu sắc, hình dạng và các gai trên đôi càng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn thành thục của tôm, nhất là ở tôm đực. Quá trình thay đổi được thể hiện qua các giai đoạn như: tôm nhỏ, tôm càng cam nhạt, tôm càng cam đậm, tôm càng cam đậm chuyển tiếp càng xanh, tôm càng xanh nhạt, tôm càng xanh đậm và tôm già (Nguồn: Holthius; Đức và ctv. 1988 và 1989; Forster và Wickins 1972).

tôm càng xanh
Tôm càng xanh được nuôi tại mương

Đặc Điểm Dinh Dưỡng

Tôm càng xanh là loài ăn tạp thiên về động vật như nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể, các mảnh vụn, các loài tảo, mùn bã hữu cơ và cát mịn (Phạm Văn Tình, 2001) và trong điều kiện tôm nuôi thì tôm cũng ăn thức ăn viên công nghiệp. Hàm lượng đạm tối ưu trong thức ăn cho tôm từ 27 ÷ 35%. Nhu cầu đạm thay đổi rất lớn theo giai đoạn phát triển. Ngoài ra nhu cầu chất béo dao động trong khoảng 6 ÷ 7,5%, chất bột đường được tôm tiêu hóa rất tốt (40% trong thức ăn vẫn cho kết quả rất tốt), hàm lượng cholesterol 0,5 ÷ 1% rất cần thiết cho tôm con, cần thường xuyên bổ sung chất khoáng và vitamin cho tôm (Nguyễn Thanh Phương và ctv, 2003).

Hình dạng và mùi vị thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng tôm đến bắt mồi. Tôm tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác, chúng dùng râu quét ngang, dọc phía trước hướng di chuyển, khi tìm gặp thức ăn chúng dùng chân ngực thứ nhất kẹp gắp thức ăn đưa vào miệng. tôm càng xanh rất ham ăn, có tính tranh giành cao, tôm càng xanh lớn chiếm chỗ và đánh đuổi tôm nhỏ, đặc tính của tôm càng xanh nếu không đủ thức ăn thì chúng ăn đồng loại yếu hơn, mới lột xác (Nguyễn Thanh Phương, Trần Ngọc Hải, 1999). Tôm thường bắt mồi vào chiều tối hay sáng sớm, tôm không ăn khi lột xác và sẽ ăn lại sau khi lột xác xong.

 

Phân Bổ Diện Tích Nuôi Tôm Càng Xanh

Vùng nuôi tôm càng xanh được kết hợp trong các ruộng lúa và mương vườn dừa là vùng bằng phẳng có cao trình trung bình (1-2 mét so với mực nước biển) chỉ bị ngập ít theo triều (chỉ bị ngập trong thời điểm triều cường cuối tháng Giêng và tháng Mười hai).

Huyện Mỏ Cày BắcHuyện Mỏ Cày NamHuyện Thạnh PhúHuyện Giồng TrômHuyện Bình Đại
Xã Tân Thành BìnhThị TrấnXã Đại ĐiềnXã Tân HàoXã Long Định
Xã Tân Phú TâyXã Định ThủyXã Tân PhongXã Phước LongXã Phú Thuận
Xã Tân Thanh TâyXã An ThạnhXã Thới ThạnhXã Lương PhúXã Vang Qưới Tây
Xã Thành AnXã Đa Phước HộiXã Hòa LợiXã Thuận ĐiềnXã Vang Qưới Đông
Xã Hòa LộcXã Tân HộiXã Mỹ HưngXã Sơn PhúXã Đại Hòa Lộc
Xã Thanh TânXã Phước HiệpXã Bình ThạnhXã Thạnh Phú Đông
Xã Phú MỹXã Bình KhánhThị TrấnXã Châu Bình
Xã Thạnh NgãiXã An ĐịnhXã Mỹ AnXã Bình Hòa
Xã Phước Mỹ TrungXã Tân TrungXã An ThạnhXã Long Mỹ
Xã Hưng Khánh Trung AXã Minh ĐứcXã An ThuậnXã Mỹ Thạnh
Xã Tân BìnhXã An ThớiXã An QuiXã Lương Hòa
Xã Nhuận Phú TânXã Thành Thới BXã An ĐiềnXã Lương Qưới
Xã Khánh Thạnh TânXã Thành Thới AXã An NhơnXã Tân Lợi Thạnh
Xã Ngãi ĐăngXã Giao Thạnh
Xã Cẩm SơnXã Thạnh Phong
Xã Hương Mỹ

Diện tích mặt nước ao nuôi tôm càng xanh năm 2020

TTHuyệnDiện tích (ha)
1Thạnh Phú3.806,14
2Giồng Trôm730
3Bình Đại103,47
4Mỏ Cày Bắc66,86
5Mỏ Cày Nam400
Tổng cộng5.106,47

Kỹ Thuật Nuôi Tôm Càng Xanh

Hiện nay, với mô hình nuôi tôm – lúa, tôm – dừa với 100% giống toàn đực, kết hợp kỹ thuật bẻ càng 2 – 3 lần trong suốt quá trình nuôi. Tôm post được ương nuôi riêng từ 2 – 3 tháng trong ao ương hoặc trong các vèo, khi tôm đạt kích thước bằng đầu đũa sẽ thả ra ao, nhờ đó hiệu quả con tôm càng xanh mang lại cao hơn nên mô hình nuôi này ngày càng được nhân rộng. Phương thức nuôi kết hợp trong ruộng lúa và mương vườn dừa là điều kiện thuận lợi để hai đối tượng có sự tương tác tích cực tạo môi trường khép kín trong quá trình nuôi.

Mật Độ Nuôi

Mật độ nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa và mương vườn dừa thường không quá 4 con/m2, trong khi đó các vùng khác có mật độ nuôi từ 4 – 8 con/m2, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương có thể điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp để đạt năng suất cao nhất. Nhờ mật độ nuôi phù hợp nên hạn chế được tỷ lệ tôm chết và hạn chế được sự ô nhiễm của nguồn nước ao nuôi do ảnh hưởng của lượng thức ăn dư thừa và chất thải, xác tôm lột trong suốt quá trình nuôi.

Chế Độ Thay Nước

Kết hợp với yếu tố thủy triều theo chế độ bán nhật triều không đều. Nhờ đó, nguồn nước ao nuôi luôn được liên tục làm mới từ ít nhất 15 ngày 1 lần hoặc có nhiều trường hợp 1 tuần 1 lần. Việc làm mới nguồn nước tạo điều kiện cho độ pH ít bị biến động lớn, giúp tôm dễ dàng lột xác, tôm lớn nhanh, khỏe. Hơn nữa, khi nguồn nước thay đổi là điều kiện để nước không bị ô nhiễm, tù đọng và cung cấp lượng sinh vật phiêu sinh, thức ăn hữu cơ cho tôm phát triển.

Mô hình nuôi thí điểm tôm càng xanh trên ruộng lúa

Tài Liệu Tham Khảo

https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4m_c%C3%A0ng_xanh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre năm 2020 Báo cáo tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh liền canh liền cư trong vườn năm 2009
Nguyễn Thanh Phương và Đỗ Thị Thu Hương (1994), Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt.
Nguyễn Thanh Phương và ctv (2003), kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, Nhà xuất bản Nông Nghiệp TP.HCM