Khảo sát thực địa tỉnh Bến Tre

Posted on

Khảo sát

168 Views

Trung tâm nghiên cứu công nghệ & Sở hữu trí tuệ CIPTEK thực hiện các cuộc khảo sát thực địa, địa bàn tỉnh Bến Tre nhằm cung cấp thông tin khoa học cho quý độc giá. Đây là nguồn mở để mọi người có thể tham khảo và dẫn nguồn thực hiện các dự án, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Trung tâm CIPTEK tổng hợp thu thập dữ kiện thông tin từ nhiều nguồn để có cái nhìn tổng quát về điều kiện tự nhiên của tỉnh Bến Tre.

 

Mục lục bài viết

Điều Kiện Tự Nhiên Tỉnh Bến Tre

tỉnh Bến Tre

Địa hình Bến Tre nhìn chung là bằng phẳng và có khuynh hướng thấp dần từ hướng Tây-Bắc xuống Đông-Nam. Với những giồng cát hình cánh cung trên vùng ven biển cổ cao hơn được hình thành qua quá trình bồi lắng trầm tích biển. Phía đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km, phía tây và phía nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh có ranh giới là sông Cổ Chiên, phía bắc giáp Tiền Giang có ranh giới là sông Tiền.

– Điểm cực đông nằm trên kinh độ 106’48’ Đông
– Điểm cực tây nằm trên kinh độ 105’57’ Đông.
– Điểm cực nam nằm trên vĩ độ 10’20’ Bắc
– Điểm cực bắc của Bến Tre nằm trên vĩ độ 9’48’ Bắc

Đất Đai, Thổ Nhưỡng

Bến Tre là một dạng cù lao lớn ở cửa sông Cửu Long hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của những “đảo cửa sông”, một trong những dạng thức lấn biển nhanh chóng của đồng bằng sông Cửu Long trong hàng ngàn năm qua. Những nhánh sông chia cắt giữa các cù lao dần dần bị lấp nghẽn bởi lượng phù sa ngày càng lớn và các cù lao chắp lại với nhau tạo nên Bến Tre ngày nay.
Kết quả nghiên cứu về tính chất lý, hóa học của đất tại tỉnh Bến Tre cho thấy đất có sa cấu sét pha thịt và có tỉ lệ cát cao chiếm khoảng 12%. Sa cấu đất không có sự khác biệt lớn các tầng đất 0-30cm và 30-60 cm. Đất chỉ hơi chua (pHH2O: 5,26 và pHKCl: 4,53).

Hệ Thống Sông Ngòi

Nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông, Bến Tre có một mạng lưới sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài xấp xỉ 6.000 km. Tỉnh có mật độ sông ngòi cao nhất cả nước (2,7 km/km2). Sông Tiền, trước khi đổ ra biển đã tách ra làm bốn nhánh như hình nan quạt, ôm gọn ba dải cù lao Bến Tre: sông Cổ Chiên 80 km, sông Hàm Luông 70 km, sông Ba Lai 55 km, sông Mỹ Tho 90 km. Các con sông đều có hướng chung là Tây Bắc – Đông Nam, đều đổ ra biển Đông với các cửa sông rộng, có nơi rộng từ 2 – 3km.
Ngoài bốn con sông chính trên, Bến Tre còn có một mạng lưới sông, rạch, kênh đào chằng chịt nối liền nhau, tạo thành một mạng lưới giao thông và thủy lợi rất thuận tiện. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm sông, rạch và kênh, trong khi đó có trên 60 con sông, rạch, kênh rộng từ 50 – 100 m. Đáng chú ý có các sông rạch, kênh quan trọng sau đây:
– Sông Bến Tre: dài khoảng 30 km, chảy từ trung tâm cù lao Bảo (Tân Hào – Giồng Trôm), một nhánh nối với kênh Chẹt Sậy qua sông Ba Lai, một nhánh qua thành phố Bến Tre, đổ ra sông Hàm Luông. Đây là con đường thủy quan trọng của tỉnh.
– Rạch Cái Mơn: dài 11 km, chảy qua vùng cây ăn trái nổi tiếng trù phú Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách) đổ ra sông Hàm Luông.
– Rạch Mỏ Cày: chảy qua thị trấn Mỏ Cày (thông với kênh Mỏ Cày – Thom) ra Hòa Lộc, nhập với rạch Giồng Keo, đổ ra sông Hàm Luông.
– Kênh Mỏ Cày – Thom: được đào từ năm 1905, nối rạch Mỏ Cày với rạch Thom, tạo thành con đường lưu thông giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, dài 15 km. Con kênh này cũng với kênh Chẹt Sậy – An Hóa bên cù lao Minh làm thành con đường thủy quan trọng nối liền Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Mỏ Cày và Trà Vinh.
– Rạch Băng Cung: là một nhánh của sông Hàm Luông chảy từ Qưới Điền, Mỹ Hưng, An Thạnh đến Giao Thạnh, đổ ra sông Hàm Luông như một cánh cung dài 23 km, một nhánh đổ ra sông Cổ Chiên.
– Rạch Ba Tri: chảy từ Phú Lễ, Phú Ngãi qua thị trấn Ba Tri rồi ra sông Hàm Luông, dài 8 km vừa có giá trị giao thông, vừa có giá trị tưới tiêu cho các cánh đồng của huyện Ba Tri.
– Kênh Đồng Xuân: được đào từ năm 1888 đến năm 1890, dài 11 km nối liền rạch Ba Tri với rạch Tân Xuân.
– Kênh Chẹt Sậy – An Hóa: được đào năm 1878, dài 6 km nối liền sông Bến Tre với sông Ba Lai. Đến năm 1905, đoạn kênh An Hóa dài 3,5 km nối sông Ba Lai với sông Mỹ Tho được đào tiếp, tạo nên con đường thủy quan trọng từ sông Hàm Luông qua thị xã Bến Tre đến sông Mỹ Tho và đi các tỉnh bạn.

Chế Độ Nước

Chế độ nước của các sông rạch ở Bến Tre mang đặc điểm chung của chế độ nước sông Cửu Long như: lượng nước dồi dào, diễn tiến mùa lũ và mùa cạn tương ứng với mùa mưa và mùa khô của khí hậu. Lượng nước mùa lũ chiếm hơn 80% lượng nước chảy cả năm. Sông Mỹ Tho có lượng nước chảy lớn nhất, lượng chảy trung bình mùa lũ đạt 6.480 m3/s. Sông Ba Lai có lượng nước chảy nhỏ nhất, lượng chảy trung bình mùa lũ chỉ đạt 240 m3/s. Ngoài ảnh hưởng của hệ thống sông Tiền, chế độ thủy văn của Bến Tre còn chịu ảnh hưởng từ thủy triều biển Đông. Vùng biển Bến Tre thuộc phạm vi khu vực bán nhật triều không đều, một ngày có 2 lần triều lên xuống. Biên độ triều khá lớn, dao động từ 2,5 – 3,5 m. Thủy triều theo các cửa sông vào làm cho dòng chảy của các con sông khá phức tạp, đồng thời gây nên hiện tượng nhiễm mặn vào mùa khô. Thời gian nhiễm mặn nặng nhất là từ tháng 2 đến tháng 4, khi lượng nước trên thượng nguồn đổ về xuống thấp, đồng thời có sự hoạt động của gió chướng. Mức độ nhiễm mặn của các con sông cũng khác nhau, sông Ba Lai có lượng nước thấp nhất nên bị nhiễm mặn nặng nhất. Những năm trước, có đến 2/3 diện tích của tỉnh bị nhiễm mặn.

Khí Hậu

Khí hậu của tỉnh Bến Tre là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm. Nhiệt độ trung bình khoảng 270C và ít biến động (25-290C). Tháng nóng nhất là tháng 4 và tháng 5. Tháng mát nhất là tháng 12. Nhiệt độ thấp tuyệt đối là 18,100C và cao nhất là 360C. Trong mùa khô, biên độ dao động ngày đêm cao nhất có thể lên đến 140C, còn mùa mưa là 11,40C. Thông thường biên độ nhiệt ngày và đêm tại Bến Tre chỉ dao động khoảng 4-80C. Điều kiện khí hậu của tỉnh Bến Tre rất lý tưởng cho con tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển tốt.
Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1.200 – 1.600 mm rất thích hợp cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, do lượng mưa phân bố không đều, mùa khô kéo dài 4-5 tháng với lượng mưa rất thấp (15-30 mm) gây ra sự thiếu nước, nhưng mùa mưa lượng mưa tập trung trên 90% lượng mưa cả năm kết hợp với mùa nước nổi gây ra sự ngập úng. Vì vậy, để đạt được năng suất cao và đảm bảo cần củng cố hệ thống thoát nước trong mùa mưa.

Chế Độ Thủy Triều

Nằm kề bên biển Đông hằng ngày tiếp nhận nguồn nước biển do thủy triều đẩy vào. Tuy mức độ mỗi sông, hoặc mỗi đoạn sông có khác nhau, từ Mỹ Thuận tới các cửa sông, mùa cạn hay mùa lũ, mực nước các sông hằng ngày đều có dao động theo sự chi phối của thủy triều.
Vùng biển Bến Tre thuộc phạm vi khu vực bán nhật triều không đều. Hầu hết các ngày đều có 2 lần nước lên, 2 lần nước xuống. Chênh lệch giữa đỉnh – chân triều những ngày triều lớn có thể từ 2,5 tới 3,5 m. Chênh lệch giữa đỉnh – chân triều những ngày triều kém thường dưới hoặc xấp xỉ 1 m. Biên độ hằng ngày kỳ triều cường thường lớn gấp 1,5 lần đến 2 lần kỳ triều kém, song với vùng bán nhật triều điều chênh lệch này không lớn.
Trong mỗi chu kỳ nửa tháng, bắt đầu là 1,2 ngày triều kém, đến giữa chu kỳ là triều cường, cuối chu kỳ là 1,2 ngày triều kém. Kỳ nước cường thường xảy ra sau ngày không trăng (đầu tháng âm lịch) hoặc ngày trăng tròn (rằm, khoảng 2 ngày).
Càng vào sâu trong sông, biên độ triều càng giảm do sự nâng lên của chân sóng triều là chính. Trên sông Hàm Luông, mùa khô, sau khi truyền qua 45 km từ An Thủy đến Mỹ Hóa, độ lớn sóng triều giảm còn khoảng 92% và truyền thêm một khoảng 25 km nữa, tới Chợ Lách độ lớn sóng triều chỉ còn xấp xỉ 75%.
Sóng triều truyền vào sông với tốc độ trung bình trên dưới 30 km/giờ đối với các sông lớn. Còn đối với những sông nhỏ, hoặc màng lưới kênh rạch, sự truyền triều diễn ra phức tạp hơn.
Sự truyền triều vào trong sông đã đưa nước mặn vào nội địa, khiến cho vùng cửa sông thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào mùa khô. Những ngày lũ lớn, nếu gặp kỳ triều cường, nước dâng to sẽ gây ngập lụt v.v… Song với vùng xa cửa sông, mặn không tới được thì dao động thủy triều trong ngày có tác dụng không nhỏ cho công việc tưới tiêu, thau chua, rửa mặn. Khi triều dâng, mực nước ngọt trong sông được đẩy lên cao, người ta có thể lợi dụng để lấy nước vào ruộng. Ngược lại, khi thủy triều rút, mực nước xuống thấp, có thể xả nước, thau chua từ ruộng ra sông. Sự truyền triều vào sông cũng khiến cho nguồn thủy sinh vật vùng cửa sông phong phú thêm.

Tài Liệu Tham Khảo

Sources: http://www.bentre.gov.vn/Pages/GioiThieu
www.wikipedia.com